Ếch bị chướng hơi, chết nhiều - cách phòng và điều trị bằng nguyên liệu tự nhiên, hiệu quả

(TTCT) - Khi thời tiết khắc nghiệt, cùng với nguồn nước bị ô nhiễm khiến ếch bị chướng khí, chết nhiều. Trong video và bài viết này, chú Tăng chia sẻ cách điều trị tình trạng ếch chết do chướng hơi bằng các nguyên liệu tự nhiên, hiệu quả nhé.



Hình ảnh mà mọi người đang thấy, là những tráng ếch giống sắp đến kì xuất bán của chú Tăng, đang gặp tình trạng: chướng hơi và chết khá nhiều. Những con ếch gặp tình trạng này chủ yếu bị ở 3 tráng buộc nơi góc ao, cuối gió, nơi tập trung khá nhiều váng cáu, rác cũng như cặn bẩn. Và xảy ra sau kì mưa dài ngày diễn ra ở miền Bắc. Trong 2 tuần liên tiếp, thời tiết khá là khắc nghiệt: mưa to kéo dài, rồi lại nắng gắt. Trước tình trạng này, chú Tăng đã lập tức ngừng xuất toàn bộ lứa ếch này, dù thực tế, việc chướng hơi chỉ diễn ra ở 3 trên tổng số mấy chục tráng ếch giống. Chú Tăng sẽ tiến hành xử lý dứt điểm, cho tới khi con ếch giống khỏe mạnh, ổn định. Nhân dịp này, kênh 'Nông sản TV' cũng xin ghi lại các phương pháp mà chú Tăng áp dụng để chia sẻ tới quý bà con cô bác và các bạn. Rất mong những thông tin này hữu ích.

1. Dự đoán nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân đầu tiên, có thể do diễn biến phức tạp của thời tiết: mưa kéo dài suốt hai tuần, rồi lại nắng gắt. Người nuôi ếch ai cũng biết rằng, những ngày trời mưa hay ủ trời, con ếch tiêu hóa kém hơn ngày trời nắng. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến ếch vẫn ăn nhưng lại khó tiêu hóa, gây ra tình trạng chướng khí.

Tiếp đến, do nguồn nước bẩn, nhiễm khuẩn: khi nguồn nước nhiễm khuẩn, không chỉ da con ếch tiếp xúc dẫn đến nhiễm khuẩn mà khi nước bẩn đó ngấm vào thức ăn, con ếch ăn thức ăn đó vào sẽ rất dễ bị các bệnh về đường ruột. Trường hợp cụ thể như các bạn đang thấy ở trại ếch chú Tăng, diễn ra sau đợt mưa dài, nước từ vườn xung quanh đổ xuống ao nuôi, mang theo nhiều tạp chất. Tình trạng chướng hơi chủ yếu diễn ra ở 3 tráng trên tổng số mấy chục tráng ếch giống. Ba tráng này chú Tăng buộc ở góc ao, cuối gió, nơi có nhiều rác, váng bẩn. Nên nhiều khả năng 3 tráng ếch này đã bị nhiễm khuẩn từ môi trường.

Ếch giống bị chướng hơi do nước bẩn, thời tiết xấu
(Ếch giống bị chướng hơi do nước bẩn, thời tiết xấu, Ảnh: Trại ếch chú Tăng)

2. Phương pháp điều trị bằng các nguyên liệu tự nhiên

Ai cũng biết rằng, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Khi để xảy ra bệnh rồi thì thiệt hại sẽ không tránh khỏi. Trong trường hợp cụ thể này của chú Tăng, xin được chia sẻ cách mà chú đã áp dụng để chữa bệnh, khắc phục tình trạng các bạn nhé. Việc phòng ngừa sẽ nói ở phần sau. Trong hơn chục năm nuôi ếch, chú Tăng chủ trương không dùng thuốc, thay vào đó, chú sẽ sử dụng các nguyên liệu tự nhiên. Dùng các nguyên liệu này vừa an toàn, tiết kiệm mà chất lượng ếch không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

1.1. Đầu tiên, chú Tăng tiến hành xử lý nguồn nước

Nên tiến hành bơm bớt nước ao, lấy nước sạch vào thay thế. Nước lấy thêm vào, tốt nhất là nước từ ao đầm đã lắng đọng. Để xử lý nguồn nước cho sạch khuẩn hơn, chú Tăng sử dụng kết hợp các nguyên liệu sau: Lá xoan ta; Chế phẩm Yucca; Dung dịch khử nước Iodine.

Lá xoan ta có tác dụng khử nước, tiêu diệt nấm khuẩn, diệt trùng mỏ neo, trùng bánh xe,... rất tốt. Cách dùng: lấy cành lá xoan tươi, cho vào túi lưới hoặc bao có cắt lỗ rồi ngâm chìm xuống dưới nước. Tốt nhất nên ngâm đầu gió (hoặc có bật sục khí), ngâm tới khi nào lá xoan, cành xoan rữa hết.

Lá xoan ta khử khuẩn, lọc nước, diệt các loại nấm rất tốt
(Lá xoan ta khử khuẩn, lọc nước, diệt các loại nấm rất tốt; Ảnh: Trại ếch chú Tăng)

Chế phẩm Yucca sinh học có tác dụng hấp thu nhanh các khí độc trong ao, hồ nuôi thủy sản cá tôm. Kiểm soát mùi hôi và phân huỷ thức ăn thừa, các chất bã hữu cơ, giảm tích tụ mùn, làm sạch nền đáy ao. Chú Tăng pha theo liều lượng 1 lắp chai cho 20 lít nước sạch và tạt đều mặt ao, tạt tráng nuôi ếch. Việc tạt tiến hành chiều mát.

Chế phẩm sinh học Yucca giúp khử khí độc, phân hủy mùn, làm sạch nước ao
(Chế phẩm sinh học Yucca giúp khử khí độc, phân hủy mùn, làm sạch nước ao)

Iodine chứa iod đậm đặc có tác dụng diệt khuẩn phổ rộng cả khuẩn gram âm, lẫn khuẩn gram dương, virus, vi nấm, bào tử, cải thiện chất lượng nước mà không làm ảnh hưởng đến tảo và oxy trong ao nuôi. Liều lượng của iodine để trị bệnh, theo nhà sản xuất là 1 lít iodine cho 10 ngàn đến 14 ngàn mét khối nước ao. Chú Tăng pha loãng iodine với nước sạch và tạt đều khắp ao. Thời gian tạt là buổi chiều tối mát (sau 4 giờ chiều).

Dung dịch IODINE khử khuẩn, làm sạch nước
(Dung dịch IODINE khử khuẩn, làm sạch nước)


1.2. Ngưng cho ếch ăn 1 đến 2 ngày, tắm ếch bệnh với thuốc tím, chuyển vị trí đặt tráng nuôi

Ếch bị bệnh nên ngưng cho ăn từ 1 đến 2 ngày để vệ sinh ao, tráng. Pha thuốc tím theo liều lượng chỉ định và tắm ếch bệnh trong 10 đến 15 phút. Buộc tráng lưới sang vị trí không bị đọng rác, cáu bẩn và thả ếch đã tắm thuốc tím vào tráng. Lưu ý: chú Tăng chỉ có 3 tráng ếch bị bệnh chướng hơi trên tổng số mấy chục tráng, nên chú buộc tráng ở nơi cách ly, tránh lây bệnh cho các tráng còn lại.

1.3. Cho ếch ăn tỏi kết hợp với men tiêu hóa, vitamin C

Tỏi có nhiều công dụng mà không người nuôi ếch nào không biết tới. Ngoài giàu dinh dưỡng thì tỏi chứa Alliin, khi băm và xay nhuyễn, enzyme trong tỏi kích hoạt và biến Alliin thành Allicin. Allicin được coi là một chất kháng sinh tự nhiên cực mạnh, đồng thời có nhiều dược tính hữu ích làm tăng khả năng chống bệnh. Để trị bệnh, chú Tăng mua tỏi ta (tỏi ta công dụng mạnh hơn tỏi Tàu nhiều lần). Chú cho ếch ăn liên tục trong 3 đến 5 ngày để điều trị bệnh chướng hơi cho ếch. Cách làm: bóc vỏ tỏi, cho vào xay sinh tố, giã nhuyễn, sau đó pha với nước, lượng vừa đủ và lọc bã tỏi đi. Nước tỏi thu được sẽ tưới vào cám ếch, để một lúc cho ngấm đều rồi cho ếch ăn. Liều lượng không cố định, nhưng trong đợt điều trị vừa rồi, chú Tăng cho ăn theo tỉ lệ: 1 lạng tỏi cho 2 cân cám ếch. Có thể bổ sung vitamin C, men tiêu hóa để giúp ếch tiêu hóa tốt hơn, mau khỏi bệnh.

Vitamin C giúp ếch tăng cường đề kháng
(Vitamin C giúp ếch tăng cường đề kháng)

Men tiêu hóa giúp ếch tiêu hóa tốt thức ăn, hạn chế bệnh đường ruột
(Men tiêu hóa giúp ếch tiêu hóa tốt thức ăn, hạn chế bệnh đường ruột)

3. Phòng bệnh

Việc phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn là chữa bệnh. Vậy, bà con thường xuyên vệ sinh chuồng trại, ao đầm, tráng lưới bằng các phương pháp như đã nêu trong phần chữa bệnh. Có điều, liều lượng ít hơn, tần suất thấp hơn. Thường xuyên cho ếch ăn bổ sung tỏi (tuần 1 bữa hoặc 2 tuần một bữa), men tiêu hóa, vitamin C.

Hy vọng các bạn đã có thêm chút thông tin bổ ích sau khi đọc bài viết cũng như xem xong video. Cảm ơn các bạn đã theo dõi, xin chào, và hẹn gặp lại trong các bài viết tiếp theo.

Xin cảm ơn các bạn, bà con, cô chú anh chị đã tin tưởng, ủng hộ trại ếch chú Tăng. Mong mọi người luôn mua được con giống tốt để vụ nuôi thành công.

Quý bà con có nhu cầu tham quan, trao đổi, ủng hộ sản phẩm, vui lòng liên hệ với Trại theo thông tin chi tiết:
  • Địa chỉ: Trại ếch chú Tăng: Đội 5 thôn Kiến Phong, xã Đồng Thái, huyện An Dương, tp. Hải Phòng
  • Điện thoại: Chú Tăng - 0868676616 hoặc anh Lập - 0911.16.07.84, hoặc bạn Huế - 0987.979.464
  • Email: lap.phamduc.cnt@gmail.com
  • Facebook: https://www.facebook.com/hanhkhachcuoicung

Chân thành cảm ơn.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn