Cách dùng cỏ mực phòng và điều trị nhiều bệnh cho ếch, giúp ếch khỏe, mau lớn

(TTCT) - Xu thế của chăn nuôi hay trồng trọt trong thời đại hiện nay là hướng tự nhiên. Ở xu hướng này, người sản xuất sẽ tối đa hóa việc sử dụng các nguyên liệu tự nhiên để phục vụ quá trình tạo ra sản phẩm cuối cùng. Điều đó sẽ mang lại rất nhiều giá trị: thân thiện với môi trường hơn; chi phí sản xuất thấp hơn; chất lượng sản phẩm đảm bảo hơn;... Tất cả những điều đó, cuối cùng sẽ mang đến giá trị cho thương hiệu của người sản xuất, cho cơ sở sản xuất.



Chú Tăng, ở trại ếch chú Tăng từ lâu vẫn nuôi ếch theo hướng sạch, lành và đặc sản. Trong suốt quá trình chăn nuôi, từ tạo ra con ếch giống phục vụ bà con đến sản xuất ra những con ếch thịt đặc sản, già tháng, chú Tăng luôn dùng tối đa các nguyên liệu tự nhiên để giúp ếch khỏe, chất, và an toàn. Ngoài việc dùng tỏi tăng đề kháng cho ếch (các bạn có thể tìm xem trên kênh Nông Sản TV), thì một nguyên liệu tự nhiên khác, rất phổ biến lại có nhiều công dụng tuyệt vời cũng được chú Tăng sử dụng, đó chính là cỏ mực, hay còn có cái tên khác là cỏ nhọ nồi. Trong video ngày hôm nay, kênh nông sản ti vi sẽ chia sẻ cách sử dụng cỏ mực trong chăn nuôi con ếch của chú Tăng tới các bạn nhé.

Cỏ mực - cỏ nhọ nồi thân tím
(Cây cỏ nhọ nồi - cỏ mực thân tím có nhiều dược chất hơn thân trắng)

Lưu ý: Trước khi đi vào chi tiết, xin có đôi điều lưu ý với bà con cùng các bạn: - Những thông tin về tính dược liệu cũng như công dụng của cây cỏ mực sử dụng trong bài viết, video này, được tham khảo từ một số trang uy tín như: thuốc dân tộc, trung tâm dược liệu, A lô bác sĩ,... vân vân. - Thông tin này cũng chỉ mang tính chất tham khảo, không được xem là tư vấn y khoa, tư vấn dược liệu, không nhằm mục đích thay thế cho tư vấn, chẩn đoán hay điều trị trên cả người và vật nuôi. Đây hoàn toàn là sự tìm hiểu, học hỏi cũng như kinh nghiệm sử dụng cá nhân của chú Tăng để chia sẻ tới quý bà con cùng các bạn.

1. Công dụng của cỏ mực

Cỏ mực là thứ cây vô cùng gần gũi đối với bất kì ai sinh ra ở nông thôn. Bài thuốc quen thuộc nhất của cây cỏ này với người Việt, có lẽ là cầm máu. Nếu bị đứt tay (chỉ áp dụng với vết thương nhỏ thôi nhé), chỉ cần bóp nát cỏ mực đắp lên đó, máu sẽ cầm ngay lập tức và vết thương khá nhanh lành. Thế nhưng, chỉ cần tìm hiểu một chút thì hóa ra, ngoài cầm máu thì cỏ mực chứa trong mình nó rất nhiều chất quý, mang tính dược liệu cao, áp dụng tốt với con người và đương nhiên, cả con ếch nữa.

1.1. Theo Đông y

- Cây nhọ nồi có tính hàn, vị ngọt, hơi chua, được quy hai kinh Vị và Tỳ. Với tính vị đó, sử dụng nhọ nồi có tác dụng cầm máu, thanh nhiệt, giải độc, bổ gan thận và mát huyết.

- Tại Ấn Độ, dược liệu này được sử dụng nhiều trong điều trị bệnh gan, làm thuốc giúp bồi bổ cơ thể hoặc chữa bệnh lý vàng da. Ngoài ra, người dân nơi đây còn dùng loại thảo dược này để cải thiện chứng khó tiêu, đau răng, choáng váng hoặc để chữa lành vết thương.

- Tại Trung Quốc, cây nhọ nồi được ứng dụng trong điều trị bệnh đau mắt, sử dụng để cầm máu, ho ra máu, chữa đau lưng, vàng da hoặc sưng gan. Cây nhọ nồi cũng được ứng dụng trong việc chữa mụn nhọt đầu đinh, sốt xuất huyết, chống ung thư và một số bệnh lý khác.

1.2. Trong Tây y

Theo nghiên cứu của khoa học hiện đại, cây nhọ nồi có chữa những hoạt chất như sau: Polypeptide, Coumestans, Thiophene, Flavonoid, Polyacetylenes, Steroid, Triterpen, Tanin. Với những thành phần đó, cây nhọ nồi tác dụng gì trong điều trị bệnh lý:

- Chống viêm, kháng khuẩn: Các hoạt chất có trong dược liệu có tác dụng tiêu diệt một số vi khuẩn như amip, trực khuẩn viêm ruột thừa, trực khuẩn bạch cầu bacillus diphtheria, tụ cầu khuẩn. Với công dụng đó, cây nhọ nồi chữa bệnh lây nhiễm khuẩn ngoài da khá hiệu quả.

- Dưỡng da, giúp đen tóc: Thành phần hóa học trong cây nhọ nồi có hiệu quả cải thiện quá trình tuần hoàn máu, giúp lưu thông máu đến da, đặc biệt với da đầu. Bởi vậy, tóc và da được nuôi dưỡng, giúp tóc đen, chắc khỏe và da mềm mịn.

- Hỗ trợ chống ung thư, tăng cường hệ miễn dịch: Thảo dược giúp kích hoạt tế bào lympho T hiệu quả, có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, từ đó phòng chống chứng bệnh ung thư dạ dày.

- Cầm máu: Trong cây nhọ nồi có chứa hoạt chất tanin, có khả năng đông máu nhanh và cầm máu rất tốt.

2. Sử dụng cỏ mực trong nuôi ếch

2.1. Xử lý môi trường nước, tạo màu nước, phòng và điều trị nấm, đốm trắng ở nòng nọc, ếch

Như đã nói trong phần trên, cỏ mực chứa nhiều thành phần đã được tây y nghiên cứu với vô vàn công dụng, gồm: Chống viêm, kháng khuẩn, tiêu diệt nhiều vi khuẩn, trực khuẩn, chữa bệnh lây nhiễm khuẩn ngoài da khá hiệu quả; Cầm máu, làm nhanh lành các vết thương ngoài da; tăng cường hệ miễn dịch. Do đó, sử dụng cỏ mực trong nuôi ếch sẽ vô cùng hiệu quả, nhất là có thể áp dụng xuyên suốt quá trình từ ương con nòng nọc, con ếch con cho tới ếch thương phẩm đều rất tốt. Để tận dụng cỏ mực trong việc xử lý môi trường nước, tạo màu nước, phòng cũng như điều trị nấm, ngừa bệnh đốm trắng trên con ếch, chú Tăng dùng cỏ mực thân tím. Bà con chú ý nhé, có hai loại cỏ mực: thân tím và thân trắng. Cỏ mực thân tím tốt hơn, chứa nhiều dược chất trong khi cỏ mực thân trắng không hiệu quả bằng.

A. Xử lý nước, tạo màu nước

- Liều lượng cỏ mực: liều lượng không nhất định, nhưng để xử lý nước, tạo màu nước, chú Tăng dùng cỡ 1 đến 2 lạng cỏ mực cho diện tích 20 mét vuông mặt nước.

- Cách tiến hành: Cỏ mực rửa sạch, cắt nhỏ, cho vào máy xay sinh tố cùng với lượng nước sạch vừa đủ (lưu ý: không dùng nước máy vì lượng clo có thể làm hỏng dược chất. Muốn dùng nước máy, nên bơm ra, để vài giờ đồng hồ cho lượng clo bay hơi hết). Xay nhuyễn hết cỏ mực và pha với nước sạch (không cần lọc bã cỏ mực), tạt đều bể, tráng nuôi. Nên tiến hành tạt lúc sáng sớm, thời tiết mát mẻ.

- Đây cũng là cách để phòng các loại bệnh có liên quan đến môi trường nước như nấm, chướng hơi,... vân vân, rất tốt.

B. Phòng và trị bệnh liên quan đến môi trường nước: nấm, ghẻ lở, đốm trắng,...

- Phòng bệnh: sử dụng cỏ mực thân tím như phần trên, tuần tạt một lần, hoặc hai tuần 1 lần.

- Trị bệnh: sử dụng cỏ mực, tạt liên tục từ 3 đến 5 ngày. Nên dùng các phương pháp tự nhiên như cỏ mực, kết hợp với tỏi thay vì dùng kháng sinh các bạn nhé. Vì con ếch từ nhỏ nếu cho dùng kháng sinh, chúng sẽ quen kháng sinh, khi trưởng thành sẽ lệ thuộc vào thuốc, vừa tốn kém lại khiến thịt ếch không an toàn với người dùng. Chưa kể tình trạng bị nhờn kháng sinh sẽ rất nguy hiểm.

2.2. Phòng và điều trị các bệnh đường ruột; tăng cường hệ miễn dịch; giải độc gan - bổ gan

Như đã đề cập trong phần công dụng của cỏ mực đã được cả đông y và tây y công nhận, cây dược liệu quý này giúp thanh nhiệt, giải độc gan; tăng cường hệ miễn dịch; chống chướng hơi, khó tiêu; đẩy nhanh quá trình tái tạo niêm mạc ruột, cùng nhiều tác dụng khác. Những điều này áp dụng được với con người, nên đương nhiên sẽ rất tốt nếu sử dụng với con ếch. Để sử dụng cỏ mực theo hướng này, chú Tăng tiến hành xay sinh tố cỏ mực và trộn đều với thức ăn cho ếch ăn.

- Liều lượng: không nhất định. Cũng đã có loại bột được điều chế từ cây cỏ mực, được khuyến nghị cho ăn với liều lượng 1g/kg thức ăn. Chú Tăng thường dùng 1 lạng cỏ mực cho khoảng 5 kg thức ăn.

- Tiến hành: rửa sạch cỏ mực, cắt nhỏ và cho vào xay sinh tố, chế với lượng nước vừa đủ và trộn đều với thức ăn, để khoảng 15-20 phút cho thấm đều rồi cho ếch ăn.

- Tần suất cho ăn khi phòng bệnh: 1 đến 2 tuần cho ăn 1 bữa (xen kẽ với tỏi).

- Tần suất cho ăn khi chữa bệnh: cho ăn liên tiếp 3 đến 5 ngày (kết hợp với tỏi - vitamin C và men tiêu hóa).

Hy vọng các bạn đã có thêm chút thông tin bổ ích sau khi xem xong video cũng như đọc bài viết này.

Quý bà con có nhu cầu tham quan, trao đổi, ủng hộ sản phẩm, vui lòng liên hệ với Trại theo thông tin chi tiết:
  • Địa chỉ: Trại ếch chú Tăng: Đội 5 thôn Kiến Phong, xã Đồng Thái, huyện An Dương, tp. Hải Phòng
  • Điện thoại: Chú Tăng - 0868676616 hoặc anh Lập - 0911.16.07.84, bạn Huế: 0987.979.464
  • Email: lap.phamduc.cnt@gmail.com
  • Facebook: https://www.facebook.com/hanhkhachcuoicung

Xin chân thành cảm ơn quý bà con và mong một vụ mùa bội thu, bớt nhọc nhằn.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn