Làm sao để vận chuyển con ếch giống đi xa không chết, ít hao?

(TTCT) - Các bạn và bà con thân mến, đối với người làm ra ếch giống như chú Tăng, hay cả với người mua con giống như các bạn, thì ngoài việc học hỏi kĩ thuật nuôi cơ bản, chuẩn bị chuồng trại đảm bảo, tìm nguồn thức ăn tốt, thì câu hỏi: làm thế nào để việc vận chuyển ếch đi những nơi xa mà con ếch vẫn đảm bảo, không bị chết, ít bị hao cũng là một vấn đề cần giải quyết.


Chắc chắn không ít người đã gặp phải tình trạng sau khi nhận ếch giống từ nơi bán về, ếch bị ngất, bị chết khá nhiều, ếch vón cục với nhau dẫn đến hao đầu con. Trường hợp này người mua thấy tiếc, còn người bán sau khi nhận được phản ánh cũng sẽ không vui. Vậy trong video ngắn này, trại ếch chú Tăng và kênh Nông Sản TV xin chia sẻ đôi chút kinh nghiệm để giải quyết vấn đề các bạn nhé. Hy vọng những thông tin này hữu ích.
Vận chuyển ếch giống đi xa không hao
(Vận chuyển ếch giống đi xa không hao)

1. Ếch giống phải phát triển hoàn thiện, khỏe mạnh mới xuất đi cho người nuôi

Đây là điều kiện tiên quyết. Con ếch phải hoàn thiện đứt đuôi hoàn toàn, đã lên chân đầy đủ. Tốt nhất là con ếch phải được sinh sản từ các cặp bố mẹ không đồng huyết, cận huyết, được bổ sung đầy đủ dưỡng chất, vitamin, canxi cũng như bổ gan để ít bị các bệnh ngoẹo cổ, bệnh mủ gan. Nếu ếch giống lại được lọc bớt đực như ở trại ếch chú Tăng thì người nuôi lại càng có lợi. Con ếch chuyển đi phải đáp ứng không bị nấm, bị tiêu chảy, bị cắn sứt sát.

2. Ếch giống phải để thật đói chay trước khi đóng và gửi đi

Con người khi ăn no mà vận động mạnh ngay sẽ bị tức bụng, sóc bụng và rất hại cho hệ tiêu hóa. Con ếch cũng như vậy các bạn nhé. Nếu ếch ăn no mà vận chuyển đi xa đương nhiên sẽ rất kém, thậm chí chết nhiều nữa. Vì vậy, những trại uy tín sẽ bỏ đói con ếch 1 ngày trước khi đóng ếch xuất bán cho người nuôi. Ở trại ếch chú Tăng, trước khi xuất bán một ngày, chú luôn bỏ đói con ếch. Tất nhiên, ếch là loài ăn động, khi bị bỏ đói ếch sẽ cắn nhau nhiều, có thể gây sứt sát. Vậy khi kiểm đếm đầu con, chú Tăng đều đếm bằng tay và loại những con bị sứt đi các bạn nhé.

3. Kích thước con ếch có ảnh hưởng đến việc hao con khi vận chuyển hay không?

Về chủ đề này, trong video số 65 trên kênh Nông Sản TV đã nói rất rõ. Các bạn có thể tìm xem lại nhé. Ở đây, xin nói tóm lược một chút: theo kinh nghiệm thì, con ếch tiêu chuẩn, cỡ nhỏ hơn khi vận chuyển đi xa sẽ ít hao hơn con ếch to, nuôi dài ngày các bạn nhé. Ếch tiêu chuẩn, vừa con sẽ thích nghi tốt hơn với những thay đổi về không gian cũng như thời tiết. Bên cạnh đó, ếch tiêu chuẩn có giá tốt hơn, ít tốn chi phí vận chuyển hơn con ếch giống cỡ lớn. Nếu người chăm có kĩ thuật, thậm chí con ếch cỡ nhỏ có thể đuổi vượt con ếch giống cỡ lớn, hoặc có chậm thì cũng không chậm hơn nhiều. Vậy nên, khi mua ếch giống, nếu ở xa, bạn nên chọn con ếch tiêu chuẩn, cỡ nhỏ hơn là chọn loại ếch giống to nhé. Không phải cứ to đã là tốt đâu!

4. Đóng gói con ếch giống đúng quy cách

Ếch giống đóng đi xa sẽ được cho vào những túi lưới có để một chút bèo cái, bèo tây hoặc rau muống sạch. Chú Tăng thường chuẩn bị những túi lưới kích thước rộng 50cm, dài 75cm hoặc lớn hơn một chút. Tùy vào kích thước con giống mà mỗi túi đó đựng được bao nhiêu con. Thông thường, một túi lưới để không quá 500 con ếch giống tiêu chuẩn, hoặc 300 con ếch giống cỡ lớn. Các túi lưới ếch sau đó sẽ được xếp vào thùng xốp hoặc khay nhựa nhưng không được đè lên nhau, phải đảm bảo không gian thông thoáng để con ếch có thể thở. Cố định các túi lưới đựng ếch sao cho không bị xô lệch ngay cả khi đi trên những cung đường sóc. Có như vậy thì ếch mới không bị vón cục, không bị đè lên nhau, không bị thiếu khí thở và từ đó, không bị chết, bị hao khi đến tay người nuôi.

5. Khoảng cách vận chuyển ếch bao xa, thời gian chuyển bao lâu thì vẫn đảm bảo?

Chưa có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này các bạn nhé. Vì quá trình vận chuyển còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nữa: bạn đi xe riêng, ếch để thông thoáng, lái xe nhẹ nhàng thì đảm bảo hơn bạn đi xe khách, ếch phải để trong cốp xe, nóng bức, không thoáng, xe chạy không êm. Tuy nhiên, trong suốt nhiều năm nuôi ếch, chú Tăng đã có nhiều chuyến gửi ếch đi nhiều nơi khá xa như Hà Giang, Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai, xuôi xuống các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Bình trong quãng thời gian trên dưới 10 tiếng đi đường, thì con ếch vẫn đảm bảo.

6. Khi nhận ếch, người nuôi phải làm gì?

Đầu tiên, người nuôi phải chuẩn bị chuồng trại, tráng lưới thật tốt, thật sạch. Khi nhận ếch, người nuôi hãy chuẩn bị chậu nước hoặc nơi chứa nước sạch đủ lớn, pha sẵn thuốc tím theo tỉ lệ thích hợp. Nếu có thời gian và nhân lực, người nuôi hãy đổ những túi ếch giống vào dung dịch nước pha sẵn thuốc tím để ếch được khử khuẩn, ngâm tầm 10 phút rồi tiến hành lọc sơ: những con giống cùng kích thước sẽ cho vào cùng những chuồng, tráng nuôi chung. Việc này vừa giúp khử khuẩn, lại giúp ếch không cắn, không ăn nhau gây hao đầu con. Nếu quá bận, không có thời gian, bạn có thể ngâm cả túi lưới chứa ếch giống vào dung dịch thuốc tím, nhấc đảo để ếch không bị ngạt rồi mới thả xuống chuồng, xuống tráng nuôi.

Trên đây là những chia sẻ của chú Tăng và kênh Nông Sản TV xung quanh vấn đề 'làm sao để vận chuyển con ếch giống đi xa mà không chết, ít hao?'. Hy vọng những kiến thức này giúp ích cho bà con và các bạn. Nếu các bạn có ý kiến nào khác, hãy để lại bình luận văn minh phía dưới cho mọi người cùng học hỏi và hoàn thiện nhé.

Xin cảm ơn các bạn, bà con, cô chú anh chị đã tin tưởng, ủng hộ trại ếch chú Tăng. Mong mọi người luôn mua được con giống tốt để vụ nuôi thành công.

Quý bà con có nhu cầu tham quan, trao đổi, ủng hộ sản phẩm, vui lòng liên hệ với Trại theo thông tin chi tiết:
  • Địa chỉ: Trại ếch chú Tăng: Đội 5 thôn Kiến Phong, xã Đồng Thái, huyện An Dương, tp. Hải Phòng
  • Điện thoại: Chú Tăng - 0868676616, anh Lập - 0911.16.07.84 hoặc bạn Huế - 0987.979.464
  • Email: lap.phamduc.cnt@gmail.com
  • Facebook: https://www.facebook.com/hanhkhachcuoicung

Xin chân thành cảm ơn quý bà con và mong một vụ mùa bội thu, bớt nhọc nhằn.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn