Hướng dẫn xử lý nước ao với nguyên liệu tự nhiên giúp cá, ếch phát triển tốt, không bệnh tật

(TTCT) - Trong bài viết kèm video này, trại ếch chú Tăng xin chia sẻ cách xử lý nước ao đầm nuôi ếch, cá bằng các nguyên liệu tự nhiên, tiết kiệm mà hiệu quả. Xử lý nước sạch giúp ếch, cá không bệnh tật, phát triển nhanh.


Trại ếch chú Tăng và kênh Nông sản TV xin chào các bạn, chào bà con cô bác. Các bạn thân mến, trong video ngắn hôm nay, chú Tăng từ trại ếch chú Tăng sẽ chia sẻ kinh nghiệm xử lý nguồn nước ao, đầm giúp nước sạch sẽ, tiêu diệt vi khuẩn, trùng bánh xe, hạn chế ô nhiễm, tăng độ PH, vân vân,... mà vẫn giữ được nguồn sinh vật phù du, vi sinh vật có lợi trong ao đầm. Từ đó giúp cá, ếch khỏe mạnh, phát triển tốt. Video này hướng tới việc giúp những người mới nuôi, chưa có kinh nghiệm. Nếu các bạn có kinh nghiệm rồi mà thấy chúng tôi chia sẻ thiếu, chưa đủ, chưa đúng, hoặc có những kiến thức tốt hơn, vui lòng để lại bình luận một cách văn minh cho mọi người cùng tham khảo, học hỏi nhé.
Hướng dẫn xử lý nước ao đầm bằng nguyên liệu tự nhiên
(Hướng dẫn xử lý nước ao đầm bằng nguyên liệu tự nhiên)

1. Tầm quan trọng của việc giữ sạch nguồn nước

Trong chăn nuôi cũng như trồng trọt, các cụ luôn khẳng định 'nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống'. Nước luôn đóng vai trò quan trọng nhất, quyết định tới thành công hay thất bại của nhà nông. Bạn có giống tốt đến thế nào, cho ăn đảm bảo ra sao, chịu khó không ai theo kịp, nhưng nếu nước bẩn, ô nhiễm thì con cá con ếch nhiễm khuẩn, bệnh tật, không chỉ chậm lớn mà còn mắc vô vàn thứ bệnh như chướng hơi, đỏ đùi, gan thận, ghẻ lở, ngoẹo cổ thần kinh, không lột được da, mù mắt. Như hình ảnh trong video mà các bạn đang xem, đều là những hình ảnh mà kênh Nông sản TV tập hợp trên các hội nhóm chuyên về nuôi ếch, cũng như những tư liệu mà bà con các nơi gửi về khi hỏi ý kiến của trại ếch chú Tăng.

Phòng bệnh bao giờ cũng hiệu quả hơn chữa bệnh. Rất nhiều người chia sẻ sử dụng thuốc này, thuốc kia đặc trị, bao gồm cả các loại kháng sinh liều cao. Cá nhân trại ếch chú Tăng xin thưa rằng, khi con ếch đã nhiễm bệnh và chết số lượng lớn, các bạn có chữa cũng chỉ tốn tiền bạc thôi, chữa thành công thì ếch đó cũng còi cọc, kém phát triển. Nên tốt nhất, hãy phòng bệnh bằng cách vệ sinh định kỳ, khoa học cho nguồn nước ao đầm của các bạn nhé. Các nguyên liệu sử dụng cũng hoàn toàn tự nhiên, vừa tiết kiệm tài chính lại hiệu quả, ít tác dụng phụ.
Ếch bị bệnh, chết do nguồn nước bẩn
(Ếch bị bệnh, chết do nguồn nước bẩn)

2. Các nguyên liệu dùng để vệ sinh nguồn nước

Các nguyên liệu chú Tăng sử dụng để xử lý nước ao chủ yếu tự nhiên, dễ kiếm và đặc biệt dễ thực hiện. Chúng bao gồm:
  • - Lá xoan.
  • - Dung dịch xử lý nước Iodine.
  • - Vôi (mua về tự tôi, hoặc mua vôi bột đều được).
  • - Cỏ nhọ nồi (tức là cây cỏ mực).
Chú Tăng cùng kênh Nông sản TV cũng đã có một video sử dụng các nguyên liệu tự nhiên chữa Ếch bị chướng hơi. Các bạn tìm xem video số 114 trên kênh Nông sản TV như ảnh xuất hiện trên màn hình nhé.

3. Xử lý định kỳ, xử lý ao sau các kì mưa

Để đạt hiệu quả phòng trừ cao, tốt nhất người nuôi nên xử lý định kỳ: ao nuôi bằng thức ăn công nghiệp thường phát sinh ô nhiễm do thành phần đạm, phốt pho có trong cám, khi không tiêu hóa hết sẽ tồn dư trong ao nuôi. Cùng với lượng chất thải do ếch, cá thải ra cũng khiến lượng chất thải rắn hữu cơ tăng lên, khiến nguồn nước ô nhiễm. Vậy, người nuôi nên quan sát màu nước và xử lý nước định kỳ.

Sau mỗi kỳ mưa, thành phần nước mưa có thể chứa nhiều acid yếu, cộng với lượng phèn từ đất trên vườn trôi xuống ao khiến độ PH trong ao giảm (tính axit tăng). Điều này cũng khiến ếch, cá hô hấp kém, hấp thụ dinh dưỡng không tốt.

4. Cách tiến hành vệ sinh nước ao đầm

Trước tiên, cần phải thống nhất nguyên tắc rằng, mỗi năm, ao nuôi cá, ếch nhất định phải bơm cạn, nạo vét bớt bùn, tạt vôi bột và phơi vài ngày trước khi cho nước sạch vào trở lại. Việc này khiến nước ao sạch sẽ, tiêu diệt bớt nguồn cá tạp không mong muốn.

Nguyên tắc thứ hai, thường xuyên dọn rác thải, lá cây rơi xuống ao. Khi có xác động vật chết, cần vớt bỏ ngay lập tức. Hành động này dù nhỏ nhưng lại giúp ngăn ngừa nước ô nhiễm, thối nước.
Nguyên liệu tự nhiên: lá xoan, vôi bột, cỏ mực, iodine
(Nguyên liệu tự nhiên: lá xoan, vôi bột, cỏ mực, iodine)

4.1. Sử dụng lá xoan ta diệt khuẩn


Lá xoan ta có tác dụng khử nước, tiêu diệt nấm khuẩn, diệt trùng mỏ neo, trùng bánh xe,... rất tốt. Cách dùng: lấy cành lá xoan tươi, cho vào túi lưới hoặc bao có cắt lỗ rồi ngâm chìm xuống dưới nước. Tốt nhất nên ngâm đầu gió (hoặc có bật sục khí), ngâm tới khi nào lá xoan, cành xoan rữa hết.

4.2. Khử khuẩn, làm sạch nước với dung dịch Iodine

Iodine chứa iod đậm đặc có tác dụng diệt khuẩn phổ rộng cả khuẩn gram âm, lẫn khuẩn gram dương, virus, vi nấm, bào tử, cải thiện chất lượng nước mà không làm ảnh hưởng đến tảo và oxy trong ao nuôi. Liều lượng của iodine để trị bệnh, theo nhà sản xuất là 1 lít iodine cho 10 ngàn đến 14 ngàn mét khối nước ao. Chú Tăng pha loãng iodine với nước sạch và tạt đều khắp ao. Thời gian tạt là buổi chiều tối mát (sau 4 giờ chiều).

4.3. Dùng vôi để diệt tảo có hại, diệt khuẩn, trung hòa độ PH

Vôi là nguyên liệu dễ tìm, giá rẻ và đặc biệt hiệu quả trong việc tiêu diệt tảo có hại, diệt nấm khuẩn độc hại và hơn nữa, trung hòa độ PH trong ao sau các kỳ mưa.

Cách tiến hành mà chú Tăng hay làm, có hai cách: cách đầu tiên, chú mua vôi về tôi, sau đó cho vôi vào thùng, hòa với nước sạch, để lắng đọng. Thu lấy lượng nước vôi trong, hòa thêm với nước sạch và tiến hành tạt khắp mặt ao; Cách thứ hai, có thể lấy lượng vôi vừa đủ, hòa với nước sạch pha loãng và tạt trực tiếp khắp mặt ao.

4.4. Dùng cỏ mực diệt một số vi khuẩn, nấm, xử lý môi trường nước


Cỏ mực thân tím chứa rất nhiều hoạt chất mà Tây Y đã nghiên cứu và công nhận, có công dụng Chống viêm, kháng khuẩn, tiêu diệt nhiều vi khuẩn, trực khuẩn, chữa bệnh lây nhiễm khuẩn ngoài da khá hiệu quả, vân vân. Các bạn lấy cỏ mực thân tím, cắt nhỏ, cho vào máy xay sinh tố, lọc lấy nước, hòa thêm với nước sạch và tiến hành tạt đều quanh ao, thậm chí tạt trực tiếp vào tráng nuôi ếch cũng rất hiệu quả.

Về công dụng và cách ứng dụng cỏ mực trong nuôi ếch, kênh Nông sản TV và Trại ếch chú Tăng đã có video số 116 chia sẻ khá chi tiết. Các bạn tìm xem như ảnh xuất hiện trên màn hình.

4.5. Xử lý nước ao bị ô nhiễm với chế phẩm sinh học

Các loại chế phẩm sinh học rất an toàn đối với môi trường sống của cá, ếch nhờ có chứa hàm lượng lớn vi sinh có lợi. Chúng giúp phân huỷ chất thải hữu cơ cũng như độc tố có trong nguồn nước. Bên cạnh đó, các loài vi sinh vật này còn góp phần ức chế cũng như ngăn chặn sự phát triển của các loại vi khuẩn, virus nguy hiểm gây nên mầm bệnh cho các sinh vật. Đặc biệt, bạn hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng trong một thời gian dài mà không sợ ảnh hưởng đến cá, ếch vì dư lượng không chứa chất độc hại.

Một trong những cách xử lý nước ao cá bị ô nhiễm, bị thối nhanh chóng, không gây hại cho nguồn nước sinh hoạt là bạn nên sử dụng chế phẩm EM gốc. Pha loãng 1 lít chế phẩm EM gốc cộng với 5 gói men khử mùi hôi Emzeo với 100 lít nước để tạt đều trên bề mặt ao.
Chế phẩm sinh học: EM gốc, Emzeo, rỉ mật
(Chế phẩm sinh học: EM gốc, Emzeo, rỉ mật)

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể ủ chế phẩm gốc thành EM thứ cấp. Bằng cách kết hợp 1 lít chế phẩm gốc với 37 lít nước sạch, 2 lít mật rỉ. Ủ hỗn hợp yếm khí trong vòng 5 đến 7 ngày, sau đó thu được 40 lít chế phẩm EM gốc. Sử dụng 40 lít chế phẩm EM gốc pha với lượng nước vừa đủ, phun xịt đều lên 1000 mét vuông ao hồ. Sau khoảng vài giờ, bạn sẽ thấy ao hồ trong và bay hết mùi hôi thối khó chịu. Để duy trì nguồn nước ao sạch, bạn nên sử dụng thường xuyên chế phẩm sinh học định kỳ 2 tuần 1 lần. Hoặc xử lý ngay khi thấy ao bắt đầu đục, ô nhiễm và có mùi, tránh để mùi quá nồng..

Xin cảm ơn các bạn, bà con, cô chú anh chị đã tin tưởng, ủng hộ trại ếch chú Tăng. Mong mọi người luôn mua được con giống tốt để vụ nuôi thành công.

Quý bà con có nhu cầu tham quan, trao đổi, ủng hộ sản phẩm, vui lòng liên hệ với Trại theo thông tin chi tiết:
  • Địa chỉ: Trại ếch chú Tăng: Đội 5 thôn Kiến Phong, xã Đồng Thái, huyện An Dương, tp. Hải Phòng
  • Điện thoại: Chú Tăng - 0868676616, anh Lập - 0911.16.07.84 hoặc bạn Huế - 0987.979.464
  • Email: lap.phamduc.cnt@gmail.com
  • Facebook: https://www.facebook.com/hanhkhachcuoicung

Xin chân thành cảm ơn quý bà con và mong một vụ mùa bội thu, bớt nhọc nhằn.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn